Hiển thị các bài đăng có nhãn website. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn website. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

Tên miền tiếng Việt




      Thực tế cho thấy việc phát triển các Website với tên miền tiếng Việt là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút người dân sử dụng Internet, nhất là với bà con vùng sâu, vùng xa khả năng sử dụng ngoại ngữ còn khá hạn chế.

Hiện nay, đã có trên 800.000 tên miền tiếng Việt đăng ký hoạt động. Những nhu cầu thiết thực như kỹ thuật nuôi cá; kỹ thuật nuôi baba; cách chữa rắn cắn; giá ngô, giá vải thiều,… là những điều người nông dân rất cần thông tin. Do vậy, việc phát triển các Website với tên miền tiếng Việt như: kỹthuậtnuôibaba.vn; Cáchchữarắncắn.vn, giávảithiều.vn,.. đã thu hút bà con nông dân sử dụng internet. Các website tên miền tiếng Việt này có nội dung trình bày dễ hiểu, hình họa sinh động, cung cấp, cập nhật thông tin, có địa chỉ, số điện thoại trợ giúp bà con nông dân khi sử dụng Internet.

    Tương tự như vậy, các em học sinh nghèo ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng có thể sử dụng tiện ích trường học trực tuyến để học tập, tra cứu điểm thi đại học, lựa chọn nguyện vọng vào các trường,…

    Ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang tiếp tục đưa Internet tới vùng sâu, vùng xa,… Việc này được cụ thể hóa trong trong chương trình viễn thông công ích giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, không chỉ hỗ trợ hạ tầng mạng, mà còn hỗ trợ máy tính cho các điểm cung cấp dịch vụ Internet công cộng.

    Thực tế những năm qua, trung bình mỗi năm chương trình viễn thông công ích hỗ trợ 1.500 tỷ đồng để phát triển hạ tầng, như đưa Internet băng rộng đến cơ quan chính quyền các cấp, trường học, bệnh viện, đồn biên phòng, các điểm truy cập công cộng và cả các hộ gia đình,…. Chưa kể, hiện tại các công nghệ mới phù hợp và dễ dàng cho việc kết nối, truy nhập Internet vùng sâu, vùng xa như dịch vụ 3G đã rất phát triển, dễ dàng đáp ứng nhu cầu truy nhập Internet cho người dân.
    Ông Tân khẳng định, vấn đề cơ sở hạ tầng kết nối Internet hiện không còn là rào cản lớn trong việc đưa Internet về nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, khi đã có cơ sở hạ tầng thì người dân cũng cần phải có kiến thức, hiểu biết về Internet.
    Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cùng Trung ương Đoàn ký kết hợp tác triển khai chương trình kết nối mạng tri thức, huy động hàng triệu đoàn viên trên cả nước cùng truyền thông, đào tạo, bồi dưỡng cho người dân, đặc biệt là nông dân sử dụng máy tính, thúc đẩy Internet phát triển.
Cùng với đó, Dự án nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam (BMGF-VN) cũng được triển khai mở rộng ra 40 tỉnh, thành phố cũng là những điều kiện thuận lợi cho việc đưa Internet về vùng sâu, vùng xa.

    Theo ông Tân, chúng ta nên đặt ra các định hướng cho chính quyền các tỉnh, các hội, hiệp hội, các doanh nghiệp có chương trình hỗ trợ bà con nông dân bằng việc tăng cường cung cấp thông tin hữu ích, thuần Việt trên Internet để thu hút bà con sử dụng. Khi đó thói quen dùng Internet sẽ thay đổi, chuyển biến tích cực.
    “Kết quả sẽ dễ hình dung như việc điện thoại di động đã được sử dụng rộng rãi ở hầu hết khu vực nông thôn, có nghĩa là nếu dịch vụ, nội dung nào thực sự hữu ích sẽ được nhanh chóng tiếp nhận và phát triển”, ông Tân chia sẻ.